Ngành dịch vụ triển vọng
Tuy chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam từ khi nền kinh tế hàng hóa ra đời, nhất là khi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới phát triển, nhưng ngành logistics đã và đang từng bước góp phần rất lớn của mình vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Theo Bộ Công Thương, dịch vụ logistic ở Việt Nam chiếm từ 15 - 20% GDP (khoảng 12 tỷ USD) - một khoản tiền rất lớn và gắn với toàn bộ khâu lưu thông, phân phối của nền kinh tế. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất của logistic là vận tải, chiếm từ 40 - 60% chi phí thì cũng đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ. Điều này cho thấy, dịch vụ logistics có ý nghĩa quan trọng và việc giảm chi phí này sẽ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước.
Tốc độ tăng trưởng của ngành những năm gần đây đạt trung bình 20-25%/năm và hiện tại Việt Nam có trên 800 doanh nghiệp logistics đang hoạt động với quy mô khác nhau. Tiềm năng phát triển dịch vụ logistics còn to lớn hơn nữa khi kim ngạch thương mại Việt Nam được xem là có mức tăng nhanh nhất trong khu vực với tốc độ gần 18 - 20%/năm và kim ngạch đạt gần 130 tỷ USD
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2009 Việt Nam xếp thứ 53 trên thế giới và thứ 5 trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á về hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vững vị trí 53, thậm chí LPI của nước ta còn cao hơn cả một số quốc gia có mức thu nhập trung bình (như Indonesia, Tunisia, Honduras…). Ngoài ra với tư cách chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong ASEAN xây dựng hệ thống “mềm” trong phát triển lĩnh vực logistics. Tuy nhiên đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Còn nhiều hạn chế
Cũng như các nước đang phát triển trong khu vực, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn yếu ; nguồn nhân lực cũng rất hạn chế và chưa được đào tạo một cách bài bản. Quan trọng hơn, ngành logistics vẫn chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức để đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa chất lượng cao của các nhà xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, chính hệ thống giao thông không đồng bộ, chất lượng dịch vụ kém đã khiến cho cước phí vận chuyển của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á. Việt Nam lại thiếu các cảng nước sâu, cảng trung chuyển, công nghệ bốc xếp tại nhiều cảng vẫn còn thô sơ nên năng suất chưa cao. Kho bãi cũng chưa được đầu tư xây dựng theo chuẩn quốc tế khiến khách hàng e ngại khi chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển.
Tổng Giám đốc Công ty ATL (Trade & Logistics) Ruby Ngọc cho biết, làm logistics ở Việt Nam hạn chế nhất là giao thông đường bộ. Việc giao nhận luôn gắn liền với tốc độ thời gian và đó cũng chính là uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chủ động thời gian được vì giao thông phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của cả xã hội. Bởi vậy, các doanh nghiệp chỉ cố làm sao hạn chế mức thấp nhất những lần giao hàng chậm.